– Ba ơi, con ước gì mình là bác thợ giày.
Con nói với ba sáng nay, khi con vừa leo lên xe vừa ngái ngủ. Ba nhìn con và ba không hiểu:
– Sao con lại ước mình là bác thợ giày?
“Là thế này ba ơi” – con kể cho ba trên đường đến lớp. Truyện cổ tích kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một bác thợ giày nghèo khổ. Bác thợ giày luôn đầu tắt mặt tối làm việc trong xưởng giày, cho đến một ngày kia bác ấy mệt quá ngủ thiếp đi. Thế là có một nhóm chú lùn xuất hiện, đóng giúp bác ấy những đôi giày dang dở.
Con ước mình là bác thợ giày là như thế đó.
Câu chuyện của con thú vị thật đấy, nhưng chỉ là chuyện cổ tích thôi, vì con biết sao không, sẽ không ai trên đời này có một cuộc sống có ích mà lại không làm việc cả.
Những bác nông dân quên cả nắng mưa để gieo hạt, cấy hái trên cánh đồng của mình. Giọt mồ hôi của họ ròng ròng trên gò má, trên lưng áo dưới cái nắng tháng Năm, tháng Mười. Nhờ vậy thì chúng ta mới có gạo để ăn và có lúa để làm giống cho những mùa sau.
Những người công nhân đường sắt ngày đêm đi trên những cung đường. Theo một bài báo ba từng đọc thì trung bình mỗi ngày, công nhân tuần đường phải đi bộ 20 km, đều đặn mỗi tháng 26 ngày để kiểm tra an toàn đường ray. Sau gần 30 năm trong nghề, khi nghỉ hưu có người đã đi bộ hết quãng đường bằng 4 lần chu vi trái đất. Nhờ những quãng đường đó thì chúng ta mới có thể yên tâm khi lựa chọn phương tiện di chuyển là tàu hỏa.
Những nhà khoa học, để chế tạo ra một sản phẩm thì họ phải đánh đổi bằng nhiều giờ làm việc trong phòng thí nghiệm, cần mẫn, miệt mài, đôi khi phải chấp nhận những thất bại nữa. Hẳn là con cũng biết, để phát minh ra bóng đèn, nhà khoa học Thomas Edison đã phải trải qua hàng ngàn lần thử nghiệm thất bại. Nhưng quả ngọt đã đến với ông khi nhà khoa học đã tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc trong bóng đèn. Đó là nguồn gốc của những bóng đèn sợi đốt ngày nay chúng ta đang sử dụng.
Con thấy không, dù là một nhà khoa học nổi tiếng, lỗi lạc hay một người lao động bình thường thì ai cũng phải dùng sức lao động của mình để thực hiện tốt công việc, để thấy mình có ý nghĩa trong cuộc sống. Như ba mẹ cũng vậy, sáng sáng, mẹ tất cả vào ca làm và ba cũng chạy xe đến công ty. Thầy cô giáo của con còn phải chuẩn bị bài giảng từ nhiều ngày trước. Ai cũng phải tận tụy với công việc của mình.
Trong lao động, con biết người ta thu gặt được những gì không?
Đầu tiên là cơ hội để giải phóng đôi bàn tay của mình, để con người thực sự là Con Người với tất cả sự khôn ngoan, tài trí. Con người biết dùng lửa, biết tạo ra công cụ lao động, biết suy nghĩ và hành động có mục đích, có phương pháp. Từ đó, mới kiến tạo thế giới và có các nền văn minh.
Sau đó là niềm vui khi tìm thấy mình, khi biết mình có ích. Mỗi người sẽ có ích cho xã hội theo một cách khác nhau. Người trồng cây, người dạy học, người lái xe, người viết sách…Ai cũng sẽ có một góc cho riêng mình, để làm việc và say mê.
Trong lao động, người ta cũng tìm thấy nhau. Trong sự chia sẻ và quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn, ngặt nghèo, ba thấy người này lại thấy ở người kia, khi thì là tình bạn, lúc lại là tình cảm gia đình gắn bó keo sơn.
Con biết không, ngay cả bác thợ giày trong câu chuyện con kể, cũng không phải là một bác thợ giày lười biếng. Bác ấy đã làm việc đến mệt nhoài, trước khi có các chú lùn đến và đóng nốt cho bác ấy những đôi giày.
Vì thế, con đừng ước mơ là bác thợ giày nữa nhé. Đừng ngủ quên để rồi bỏ mặc đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh nhanh, cái đầu bén nhạy của mình vào một xó. Sẽ đến ngày nào đó, con nhận ra rằng, trong lao động, con sẽ lớn lên.
Thức dậy thôi đi chứ, “bác thợ giày” của ba. Có cả cuộc sống ngoài kia đang chờ con khám phá kìa.
(Ảnh: Một nhành cây trên Sapa từ vài năm về trước)