Cần một người như cần bát cháo hoa

Mình rất thích ăn cháo, đặc biệt là cháo hoa (loại cháo trắng nấu sánh, khi ăn có thể kèm đường). Mỗi lần ăn cháo, mình nghĩ về những ngày bé bị ốm, cũng được mẹ nấu cháo cho ăn. Tự dưng, cái việc ăn cháo vốn đơn thuần bỗng trở nên ý nghĩa và dễ chịu. Ăn một tô cháo thôi mà có cảm giác như được ở trong vòng tay chở che, ôm ấp của mẹ vậy.

Có những lúc cuộc sống rất ngột ngạt và nhàm chán. Mình nghĩ rằng không chỉ riêng mình có cảm giác như vậy. Có thể, nhiều người nữa cũng thấy như vậy lắm, chỉ là họ không nói ra. Công việc ngày nối ngày, deadline nọ nối tiếp deadline kia. Ngày nào mình cũng lênh đênh trên đường hơn 20 km cả đi cả về để đi làm, xong về đến nhà là làm việc nhà, chơi với con đâu đó đến tận 9h tối. Đi làm không phải lúc nào cũng vui vẻ, mà nhiều lúc thấy buồn, vì nhìn đi nhìn lại cứ có cảm giác thất bại thảm hại, càng làm lại càng xa xôi con người mình đã từng muốn trở thành, thậm chí, còn đánh mất cả một số phẩm chất tốt đẹp mình từng có, trở nên tự ti hơn, nhút nhát hơn. Mình vốn không hay so sánh bản thân mình với người khác, mà nhiều khi, chỉ so sánh bản thân mình của ngày hôm nay với chính mình của ngày xưa đã thấy đáng buồn rồi. (Mặc dù, cái này nói không phải để khoe khoang, thì công ty và đồng nghiệp của mình rất ổn. Chỉ là, bản thân công việc và mình đã dần dần không còn phù hợp với nhau nữa thôi).

Những lúc mệt và buồn là những lúc mình gọi cháo về ăn. Có hôm không mệt hay buồn gì, mình cũng vẫn gọi cháo. Để thấy trong tô cháo, như có hình ảnh thân thương của mẹ, có bàn tay, có ánh mắt quan tâm ấy. Mẹ mình vốn thương mình lắm, lại toàn thương mình từ những điều nhỏ nhặt vô cùng.

Như là, có lần mình đi mua hoa Tết cùng mẹ sau khi mình sinh con đầu lòng. Hai mẹ con mình chọn mua một chậu hoa đồng tiền. Mẹ mình cứ hỏi đi hỏi lại chậu hoa có nặng lắm không, sau đó mẹ xách luôn chậu hoa về, không cho mình động vào vì mẹ nghĩ mình vẫn bị hội chứng đau cổ tay sau sinh (dù lúc đó cổ tay mình đã khỏi đau từ lâu rồi).

Như là, có lần mẹ ở quê lên, nhìn rổ hoa quả xong mẹ hỏi mình: “Hoa quả của con đâu?” Có lẽ, mẹ nhớ mình không thích ăn quả cứng, mà rổ thì toàn ổi. Trong thâm tâm, mẹ đang thắc mắc sao rổ hoa quả lại không có loại quả mình thích. Ôi đúng là mẹ, chỉ có mẹ mới nghĩ thế.

Như là, có lần, mình bảo với mẹ mình thích một cái nhẫn quá, nó lóng lánh thật đẹp. Và mẹ khuyên mình mua luôn mà đeo cho xinh, khỏi phải mong mỏi khi nào có dịp mới mua.

Có nhiều chuyện lắm, mà khi nghĩ lại, mình lại thấy thương và biết ơn mẹ rưng rưng.

Đồng nghiệp mình thấy lạ lùng khi thỉnh thoảng mình lại gọi cháo. Với mọi người, cháo là thứ ăn cho vui, không phải thứ ăn để cung cấp đầy đủ năng lượng cho ca làm việc buổi chiều. Họ đâu có biết, trong tô cháo, mình thấy có sự ủi an, vỗ về ở trong đó. Giữa những ngày bộn bề công việc, ăn một tô cháo cho lòng dịu lại, mọi thứ trôi chậm rãi và nhẹ nhàng hơn.

Cũng giống như, cô bạn mình khi nhớ về người bố đã khuất, sẽ tìm nghe mấy bài dân ca Khi còn sống, bố của cô ấy hay nghe loại nhạc này. Những sáng, những chiều cô ấy đẩy xe lăn cho bố đi lại lòng vòng trong nhà ra ngõ, đều là trong những khúc ca mang âm hưởng quê hương ấy.

Cũng giống như, một cô bạn khác của mình, mỗi lúc buồn hay trống trải, cô đơn, lại về nằm úp mặt vào góc tường của căn phòng trọ. Ngỡ như những ngày thơ bé, luôn có mẹ lay gọi: “Con gái ơi, con làm sao thế? Ra ăn đồ mẹ nấu đi”.

Cuộc sống đô thị ngày càng hối hả, bận rộn, lòng người nối với nhau đôi khi không phải là sự chia sẻ, đồng cảm mà là những khúc mắc, lẫn tổn thương. Những người “công nhân văn phòng” như mình, dù trẻ hay không, đều có nhiều lúc mong vòng quay cuộc sống ấy chậm lại, để nhớ về gia đình, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những kỷ niệm dịu dàng và ấm áp như chiếc gối bông gòn để úp mặt vào đó giữa những lo toan, bộn bề.

“Chị ơi, trưa nay chị ăn gì để em đặt giúp?” – cô bé đồng nghiệp nhìn mình, ánh mắt chờ đợi. Mình nhoẻn cười, nói khẽ: “Có lẽ chị sẽ lại ăn cháo thôi em. Để chị tự gọi em nhé”.

Hôm nay cuối tuần rồi, mà mình chưa sắp xếp về thăm nhà được. Tự dưng, mình thấy nhớ nhà ghê.

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *