Chị giúp việc đã dạy gì cho mình?

1. Tình huống

Tuần trước, do mình bận và mệt, nên mình đã phải gọi một chị giúp việc theo giờ đến làm việc nhà cho mình 2 giờ.

Đó là chị ở khu nhà trọ đối diện nhà mình. Chị hơn mình 5 tuổi, có nghề chính là làm phục vụ tại quán cơm bình dân trong ngõ nhà mình. Chị đã làm cho mình một vài lần.

Mình muốn tranh thủ trong lúc chị làm việc thì mình làm vài việc của mình trên máy tính nên đưa chị các dụng cụ dọn nhà và dặn dò chị cẩn thận, ví dụ: trước khi lau nhà thì nên lau sạch các bề mặt trong nhà, phủi bụi xuống sàn rồi hãy quét dọn và lau nhà; ở nước cuối cùng, nhớ vắt chanh vào cho sàn nhà sạch và thơm. Đại loại vậy, và mình yên chí làm việc của mình.

Hai giờ sau, mình ra nghiệm thu sản phẩm thì…, mình thấy không ưng ý lắm, vì thấy chẳng đúng với yêu cầu của mình gì cả, như là:

– Sàn nhà có lau, nhưng nước cuối không lau với nước chanh. Các mặt bàn, mặt tủ chỉ được lau bằng khăn khô, không lau bằng khăn ẩm nên không sạch.

– Quần áo treo trên mắc không được cài khuy cẩn thận, nếu gió to là rơi khỏi mắc ngay. Các áo sơ mi, váy lụa của mình bị vắt quá tay nên nhiều nếp, lẽ ra không nên vắt mà phơi luôn để tránh tạo nếp.

– Dép nhựa đi trong nhà chỉ được dội qua với nước sạch, không được cọ rửa bằng bàn chải với xà phòng (dù mình đã lấy sẵn bàn chải).

Với bản tính khó chiều cộng với sự khó ở lúc đấy, ngay trong đầu mình rút ra một kết luận, thế này là CẨU THẢ.

Nhưng, cũng lúc đấy, 1 luồng suy nghĩ khác chạy qua đầu mình: “Liệu mình có khắt khe quá không?” và “Nếu mình là chị ấy, thì làm được như vậy đã là cố gắng hết sức chưa?”.

2. Suy nghĩ của mình

Trước tình huống trên, mình đã dừng lại suy nghĩ (trước khi có ý kiến, bình luận gì về kết quả công việc của chị giúp việc).

2.1. Từ góc độ của chính mình, mình đã tự hỏi và trả lời:

– Thứ nhất, mình có khắt khe quá không?

Câu trả lời là có. Điều này là do đặc thù nghề nghiệp của mình. Công việc mảng pháp lý và quản trị đều đòi hỏi rất cao về sự chính xác và tỉ mỉ. Dù mình chưa phải là xuất sắc trong công việc này nhưng đặc thù nghề nghiệp vẫn ngấm vào mình. Vì vậy, mình nhìn nhận, đánh giá mọi việc cũng kỹ lưỡng, tiểu tiết hơn là những người không làm nghề này.

Vì vậy, việc mình soi xét việc dọn nhà cũng là một điều khó tránh khỏi.

– Thứ hai, mình đã hướng dẫn chị ấy đủ chi tiết, rõ ràng chưa?

Câu trả lời là chưa. Có những yêu cầu nhỏ, mình cho là ai cũng biết nhưng rõ ràng chị giúp việc nhà theo giờ của mình không biết và không có trách nhiệm phải biết. Như là việc lau nhà nước cuối với cốt chanh tươi, không phải nhà nào cũng làm vậy hoặc việc giặt áo lụa thì không nên vắt trước khi phơi mà cứ nên để vậy mà phơi, nếu chị ấy chưa từng làm qua thì rõ ràng là không biết. Vì chưa biết rõ yêu cầu công việc thế nào nên người ta không thể làm theo đúng yêu cầu được. Việc này, mình phải tự trách mình trước.

– Thứ ba, mình có theo sát chị ấy để kịp thời điều chỉnh không?

Cái này rõ ràng là không vì mình cứ để chị ấy chủ động làm việc trong khi lại không có hướng dẫn chi tiết. Vì thế tận đến khi hoàn thành công việc rồi, mình mới biết và không thể điều chỉnh lại được nữa.

2.2. Đặt mình vào vị trí của chị ấy, mình cũng tự hỏi và trả lời:

– Thứ nhất, chị ấy có phải là người chuyên nghiệp trong lĩnh vực dọn nhà không?

Câu trả lời là không. Chị ấy dọn nhà trong thời gian rảnh, còn việc chính là ở quán ăn. Vậy nên, những kỹ năng thiết yếu của một người dọn nhà chị ấy sẽ không biết được và chị ấy cũng không biết rằng chị ấy phải bổ sung những kỹ năng gì. Nói cách khác, đòi hỏi một người không chuyên làm việc chuyên nghiệp chỉ sau một vài lần thì rất khó. Chính mình cũng từng rơi vào cảnh này sau những lần chuyển việc, chuyển sang làm một lĩnh vực mới mà trước đây mình chưa có nhiều kinh nghiệm.

– Thứ hai, chị ấy đã cố gắng hết sức chưa?

Mình nghĩ là rồi. Vì chị ấy đã làm việc trong thời gian đủ lâu và với sự chuyên tâm theo cách của chị ấy. Chị ấy cũng đã cố gắng để hoàn thiện theo cách mà chị ấy cho là đủ, nên mình không thể cho rằng chị ấy không tận tụy. Chỉ là, kết quả của việc ấy thì chưa tương xứng với kỳ vọng của mình thôi.

Bản thân mình trong công việc cũng vậy, có những lúc làm hết sức, hết lòng nhưng vì lẽ gì đó mà vẫn không được đánh giá cao. Có thể vì ngay từ đầu mình đã đi sai hướng, hoặc mình chưa đủ năng lực. Việc này rất tai hại vì tốn công sức, thời gian mà không hiệu quả. Mình vẫn cố gắng để khắc phục, bằng cách xác nhận thật rõ yêu cầu với từng đầu việc hoặc xin ý kiến tham vấn khi có vướng mắc. Nhưng với chị giúp việc theo giờ của mình, thì đâu phải cái gì cũng hỏi mình được khi mà mình chìm đắm vào công việc bên laptop.

– Thứ ba, hoàn cảnh xuất thân và hoàn cảnh sống của chị ấy có cho phép chị ấy làm việc đó tốt hơn không?

Mình ko dám chắc điểm này, nhưng căn cứ vào những gì mình quan sát được thì có lẽ cách người ta làm một việc gì cũng phải ánh tính cách, xuất thân và quá trình trưởng thành của người đó khá rõ. Theo lời kể của chị, chị xuất thân trong một gia đình lao động bình thường, nghèo khổ nữa kia. Như vậy, khó mà được rèn kỹ về những kĩ năng trong đời sống mà không thiết yếu. Quần áo giặt sạch là được, đâu cần phải quan tâm đến chất liệu mà có khi cả đời họ chẳng mặc đến. Nhà cửa sạch sẽ vừa đủ có lẽ cũng ổn rồi. Mình nghĩ là vậy. Cũng như mình, do xuất thân từ một gia đình có bố mẹ là công chức bình thường, mình đâu biết cách giữ gìn các đồ vật xa hoa như kiểu vòng ngọc trai hay vòng vàng, bạc. Mình cũng đâu có biết cách dùng dao, dĩa ăn theo kiểu phương Tây điêu luyện. Mình cũng chẳng thành thục đàn hát, khiêu vũ như bạn nọ, bạn kia. Vậy đấy. Việc rất dễ dàng, thân thuộc với người này thì lại khó khăn, xa lạ với người kia. Đó là điều mình nên chấp nhận.

Khi nghĩ những điều này, mình chợt nhớ đến mẹ và cảm động khôn xiết. Cảm ơn mẹ thật nhiều vì đã dạy mình những điều nhỏ bé, tỉ mỉ. Những điều mẹ dạy chưa phải là tất cả thế giới bao la mình cần học nhưng cũng đã là nhiều với mình rồi.

3. Và chốt lại

Mình đã cảm ơn chị ấy, trả tiền công cho chị ấy và chẳng phàn nàn gì cả. Tự thâm tâm, mình còn nghĩ rằng phải cảm ơn chị ấy vì qua một tình huống nhỏ, mình có dịp nhìn nhận bản thân và người khác; có dịp tĩnh tâm, quan sát và học hỏi được:

– Cách để đánh giá công việc của người khác khách quan.

– Cách nhìn nhận bản thân trong mối tương quan với người khác.

– Cách mở rộng lòng trắc ẩn.

Ở một góc nào đó, mình hiểu được hoàn cảnh của chị ấy. Thế nên, mình tâm niệm rằng, chị ấy làm được cho mình hết sức cố gắng của chị ấy là được rồi, mình chỉ nên tặng lại chị ấy tiền công và niềm vui thôi. Còn nếu muốn kết quả tốt hơn, mình sẽ tìm đến dịch vụ dọn nhà chuyên nghiệp.

 

 

 

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *