Điều cuối cùng sót lại

1. Đọc báo, thấy đưa tin quê mình cũng có người bị dịch Covid. Bên dưới bài viết, rùng rùng những bình luận, người thì trách bệnh nhân, người thì trách Nhà nước không làm gắt nên “thả gà ra mà đuổi”, người thì chán nản kêu than.

Mình cơ bản không còn quá nhiều cảm xúc để mà buồn hay vui với những bản tin hàng sáng, hàng tối nữa. Mỗi sáng, bạn chồng đọc tin rồi bảo, em ơi hôm nay lại có thêm chừng này người mắc mới, chừng này người chết đi, mình chỉ thầm mong sao sớm có vacxin để dịch bệnh được đẩy lùi và mọi thứ lại hồi phục dần dần, chứ không còn đặt tâm trí ở những con số.

2. Bạn mình nhắn tin bảo: “Cho tớ vay mấy triệu tiêu tạm. Công ty nợ lương 3 tháng nay”. Mình lặng lẽ chuyển khoản cho bạn, rồi hỏi: “Thế có tính làm tiếp nữa không?”. Ban trả lời: “Làm thì vẫn phải làm chứ, chẳng lẽ lại thất nghiệp giữa mùa dịch bệnh thế này. Nhưng nếu nợ lương mãi thì tớ cũng phải xem xét lại”. Giọng bạn nho nhỏ, buồn buồn. Bạn là người trước giờ luôn tự tin vào bản thân và nghề nghiệp. Tự dưng mình thấy bạn chồng nói đúng: “Dịch Covid 19 kinh khủng thật. Nó làm cho một người nghèo như vợ mình cũng có cơ hội trở thành chủ nợ”.

Lác đác, thấy vài bạn bè khác cũng kêu công ty lại cắt giảm giờ làm, cắt bớt nhân sự trở lại. Cứ tưởng sống sót được qua đợt dịch thứ nhất là “êm” rồi, mà không. Dịch thình lình quay trở lại bất kỳ lúc nào khiến người ta thay đổi dần dần từng thói quen sinh hoạt, chi tiêu của mình. Hôm trước, mình đắn đo hỏi em gái, nên oder lọ serum 50ml hay 30ml nhỉ, nó sẽ rẻ đi được một tí. Mấy đứa bạn mình, hồi trước váy áo lồng lộn lắm, giờ cũng than lâu lắm rồi chả đi shopping gì. Các nhãn hàng thời trang sale off sâu lắm, mà chả dám ghé vào.

3. Nhưng cũng trong những ngày dịch bệnh, lại le lói những niềm vui, những ủi an nho nhỏ.

Kết nối được mấy người bạn viết với mấy công ty sách, NXB mình hay làm việc cùng. Thấy sách của mọi người ra mà lòng cũng vui vui lắm.

Giữa mùa dịch, mới là lúc biết tổ chức mình đang gắn bó thực lực thế nào, chăm sóc nhân viên có tốt không. Mình chứng kiến cảnh cứ cách ngày công ty lại cho phun thuốc khử khuẩn, đo nhiệt độ ròng rã suốt nhiều tháng nay cho mọi người ngay sảnh công ty. Công việc và các chế độ đều giữ nguyên không thay đổi gì. Thỉnh thoảng, ai đó nói, đó là niềm may mắn lớn so với những người khác ở những công ty khác rồi.

Mùa dịch, lại bắt đầu của mùa mưa hàng năm, thật sự không làm lòng người vui lên nổi. Không thể ra ngoài, thôi đành ngồi viết mỗi tối và nghe mưa rơi từng đợt ngoài cửa số. Âm nhạc đã lâu không nghe nay ta tìm lại. Thứ âm nhạc tinh khiết, xa xăm của tuổi trẻ mà giờ nghe đã không còn buồn bã nữa, thật lạ lùng biết mấy. Buổi tối sướng vui nhất là buổi tối được ngồi ôm mèo và dụi mũi mình vào lồng ngực người ấy, nghe mùi hương thân thuộc ùa vào.

4. Bạn hỏi, hy vọng, có viển vông không trong những ngày này?

Mình nói, có lẽ là không viển vông tý nào, như cách mình vẫn gieo những hạt đỗ đen vào nhúm bông gòn nhúng nước trong vỏ lon nước ngọt, chờ từng ngày để hạt đỗ nảy mầm, vươn lên. Như cách mấy cậu bé sống ở khu phố nhà mình trồng những hạt bơ. Cái cây bơ nảy mầm sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lớn thành một cây bơ thực thụ trong thành phố nhưng đâu phải vì thế mà người ta sẽ từ bỏ niềm hy vọng một cái hạt sẽ nảy thành mầm. Điều quan trọng nhất trong những thời khắc khó khăn chính là không được từ bỏ hy vọng.

Vì thế cho nên, chúng mình vẫn cứ vừa sống và vừa hy vọng thôi chứ. Ngày dịch, chẳng đi được mấy nơi, thôi đành ở nhà học cách làm đầu bếp tại gia, học cắm hoa, tỉa lá, học may vá thêu thùa… Không thể chạy ào qua thì gửi nhau một vài cái icon nho nhỏ để ôm cho thắm thiết. Ngày dịch, rủi nhỡ ai thất nghiệp thì hãy tạm coi đó là cơ hội cho mình sống chậm lại, yêu thương mọi thứ thật chậm lại và tự đổ đầy chính mình để sau dịch rồi ta quay trở lại và lợi hại hơn xưa.

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, sau khi Pandora mở chiếc hộp ra thì những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh…Tuy vậy, vẫn còn một điều tốt đẹp hiếm hoi sót lại trong chiếc hộp của Pandora, đó là niềm hy vọng.

Những ngày gần đây, đã khi nào bạn xòe tay ra, nhìn vào đó và tự hỏi:

“Mình còn sót lại điều gì?”.

Và điều ấy, có khi nào là một niềm hy vọng?

 

 

 

 

 

 

 

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *