Hồi căn nhà còn là nhà cũ, nó có một cái góc nhà.
Thật ra, ngôi nhà nào chả có những góc nhà. Nhưng ngôi nhà mới, rộng rãi quá, thênh thang quá mà lại ít kỷ niệm quá nên góc nhà nào cũng như nhau. Nhạt nhẽo và vô vị. Những cái góc nhà tuyệt đối không thể là nơi nương náu, trú ẩn của tâm hồn được.
Còn cái góc nhà của nhà cũ thì lại khác…
Góc nhà cũ, nơi kê chiếc tủ nhỏ xíu để đồ vá may của mẹ hồi ta lên mười. Mẹ có một cái giỏ đựng đồ may. Hộp đựng kim, hộp chỉ, kéo… đều để ở cái giỏ đấy. Ngày thơ bé, ta hay lần tìm trong cái giỏ, những mẩu vải vụn, cuộn chỉ nhiều màu để may đồ cho búp bê. Có lần may mắn, ta còn thấy trong đó gói kẹo nhỏ xíu, cắn vào chiếc kẹo mà như cắn vào một mẩu mây trời màu trắng. Đó là món kẹo bông mà mẹ đã kiếm được ở đâu đó, mang về cho bầy trẻ nhỏ trong nhà. Có lần ta thấy trong cái giỏ đó, mấy đồng tiền lẻ mẹ đi chợ về được cuộn lại và buộc sợi dây chun nhỏ xíu. Cái cuộn tiền bé bỏng, nhớ về là bâng khuâng vì nó nhắc ta nhớ đến phiên chợ quê nơi mẹ tất tả bán mua trong vội vã.
Góc nhà cũ, nơi ta lớn lên và đi qua thời hoa niên vụng dại ở đó. Lần rung động đầu tiên trong đời, ta giận người và không hiểu nổi ta, nên là ta vỡ òa, chứa chan trong nước mắt. Rồi một bàn tay chạm vai ta thật khẽ, khẽ như chớp cánh của một con cánh chim bay, kèm theo chiếc mùi xoa như mới giặt xong, còn thơm mùi đinh lăng ngoài vườn. Giọt nước mắt đầu đời của cô thiếu nữ là ta được lau đi bởi bàn tay dịu dàng của mẹ. Nỗi buồn vơi, cơn giận cũng vơi. Ta dụi mắt, nhoẻn cười, nhận ra bầu trời ngoài kia lấp lóa bao nhiêu nắng. Trong mắt mẹ ta, cũng có vì sao nào nhảy nhót rung rinh.
Góc nhà cũ, ta trốn về trong những ngày đầu tiên đi học xa nơi phố thị. Cái thị xã nghèo nàn, cũ kỹ, thời kháng chiến bị đánh bom bao nhiêu lần, nay đã thay da đổi thịt trở thành xa lạ với một cô gái vừa chân ướt chân ráo ở quê lên. Đôi mắt thơ ngây lạ lẫm, bàn chân còn bỡ ngỡ giữa phố với phường, ta đôi lần bị thói chảnh chọe nơi phố phường làm cho thương tổn. Về nhà, ta lặng lẽ ngồi im chẳng thở than. Ta chỉ thấy con đường trước nhà dẫn về lối phố sao xa xôi quá, ta chẳng còn háo hức mỗi khi xách túi ra khỏi nhà nữa. Ta muốn ở mãi lại với ngôi nhà, với cha mẹ. Mà ta nghe mẹ nói: “Ráng lên con. Tuổi trẻ vất vả nhọc nhằn, đặng cho quãng đời còn lại nhiều êm ấm”.
Góc nhà cũ, có tiếng cười của mẹ, của ta, của em gái những ngày đông ta theo chuyến xe khách quen trở về nhà cuối mỗi tháng. Mùa đông, ba mẹ con đắp chung một tấm chăn bồng bềnh như một đám mây giăng mắc, bàn tay, bàn chân em gái đều rất ấm, tóc em thơm mùi măng sữa non tơ. Những câu chuyện lạ, chuyện quen dắt ba mẹ con đi đến nơi nào chẳng rõ. Chỉ biết, nhiều khi ta vào giấc ngủ rồi, tiếng cười như vẫn còn vương lại trên khóe miệng nhoẻn ra vẽ một nét cười.
Biết bao ngày nắng, đêm mưa, những mùa bình yên và những mùa giông bão đều đi qua mái ngói và ta được chở che trong cái góc nhà bé xinh, chật chội mà đầy yêu thương ấy. Vòng tay mẹ luôn là vòng tay ấm nhất, giấc ngủ trên cái giường nhỏ cạnh góc nhà luôn là giấc ngủ bình yên nhất, tiếng chim nghe được từ nơi ấy luôn là tiếng chim rộn ràng nhất. Cái góc nhà đã không chỉ còn là cái góc nhà mà nó còn là cả một vòm trời thơ bé yêu thương ở đó.
Từ hồi mẹ ta mất, nhà cũ được đập đi xây lại, ta đã không còn cái góc nhà nào như thế nữa cả.
Căn nhà mới vừa rộng vừa lạ lẫm, ta cũng đã chẳng còn thơ bé, cũng đến lúc bước đi để tìm kiếm cuộc sống như mong muốn của chính mình. Mỗi lần về quê, bước vào căn nhà ta lại dáo dác tìm kiếm. Bóng mẹ ta đâu rồi nhỉ, còn đâu nữa cái góc nhà nhỏ ngày xưa, nơi cất giữ bao nhiêu buồn vui của ta ở đó. Có những lần cuộc đời làm lòng ta đau xé nhưng không dễ dàng kể cùng ai, ta bắt vội chuyến xe chiều muộn, chạy ù về nhà như những ngày xưa. Nhưng đã không còn cái góc nhà cũ để ta trốn vào đó ngồi khóc lặng lẽ, cũng không còn bàn tay nào khẽ chạm lên vai ta như một vệt chim bay. Ta chợt nhận ra cuộc sống người lớn đâu như bức tranh ta đã vẽ nên thời nhỏ, chợt ước mong có tấm vé nào đó, để ta trở về tuổi thơ một lần được khóc rưng rức trong lòng mẹ rồi lại cười toe toét khi mẹ dỗ cho cơn ấm ức đi qua.
Cái góc nhà thơ bé cũng giống như người mẹ thương yêu của ta, mãi đành xa xôi, mãi đành thương nhớ.