Không quá ít, chẳng quá nhiều

(Ảnh: Unsplash)

1. Từ sau cuộc ly hôn đình đám của vị đại gia nọ, dân cư mạng hay truyền nhau câu nói: “Tiền nhiều để làm gì?”, ngụ ý, trong một số hoàn cảnh, tiền nhiều đâu có giải quyết được vấn đề gì đâu.

Từ khi dịch Covid 19 bùng phát, trào lưu sống chậm, sống deep cũng trở nên sôi nổi, phổ biến hơn, và trong số đó, có không ít người cổ vũ cho lối sống giản dị, không quá coi trọng việc tích trữ tiền bạc, của cải và coi trọng trải nghiệm cùng những hạnh phúc tự thân.

Mình thấy những quan điểm đấy, ở khía cạnh nào đó, là rất tích cực. Trong một xã hội kim tiền lên ngôi như hiện nay, đâu đâu cũng mở ra những lớp học để trở thành triệu phú, lớp học đầu tư, lướt sóng chứng khoán, lướt sóng BĐS, làm giàu nhanh trong 3 tháng…thì việc có những quan điểm chú trọng vào đời sống tinh thần, đề cao sự hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên bỗng chốc như một nốt trầm dịu dàng thả xuống.

Có một thời gian, mình cũng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của những quan điểm sống đề cao đời sống nội tâm, tinh thần, chú trọng vào hạnh phúc tự thân mà bỏ qua đời sống kinh tế.  Thời kỳ đó, mình sống đúng theo kiểu “em vui là được”: làm một công việc vừa đủ, gần như không bận tâm thu nhập đến đâu, cuối tuần và mỗi tối mải mê theo đuổi những thú vui tao nhã (nghe nhạc cổ điển, xem phim kinh điển, ăn bánh, thưởng trà, học xem bài Tarot…), thích tụ tập, giao lưu với bạn bè cùng sở thích… Phải nói là, về mặt tinh thần thì cũng vui thật đấy, cho đến khi có một số sự kiện ập đến, đòi hỏi mình phải có tài chính vững vàng hơn.

Và lúc đấy mình nhận ra, cách mình sống đang không ổn.

Mình đã không kịp nhận ra, rất nhiều người lên tiếng đề cao lối sống không coi trọng vật chất, trước đấy, họ đã từng làm việc chăm chỉ, thành công, thậm chí, còn sung túc nữa là khác. Họ đã từng đạt được vị trí cao trong nghề nghiệp, thậm chí từng làm bán sống bán chết cho một nghề… Rất nhiều người trong số họ, có nền tảng tài chính hoặc hậu phương vững chắc hơn mình. Và họ cũng có thể sống một cách giản dị hơn mình nữa (chỉ một ví dụ đơn giản là dùng son handmade thay thế cho son highend thôi mà mình cũng không làm nổi, hic hic).

Một cái rất dở của mình, đó là, không sống trong hoàn cảnh của người khác nhưng lại muốn học theo lối sống của người khác.

Nếu thấy một người giỏi, khá giả, thường xuyên bận rộn kêu gọi sống chậm lại, lắng nghe tiếng nói nội tâm… ta sẽ ca ngợi người ấy là người sớm giác ngộ, sớm biết buông bỏ. Nhưng nếu một người vốn đã đi chậm hơn cả người khác như mình lại còn chủ trương sống chậm lại, chậm hơn nữa, thì thật là buồn cười phải không?

Nhất là khi mình còn trẻ nữa.

2. Trong quá khứ, mình đã từng nhiều lần bị tổn thương liên quan đến chuyện tài chính, tiền bạc.

Hồi mới đi làm ở công ty đầu tiên ngay sau khi tốt nghiệp đại học, mình có một bạn đồng nghiệp rất xuất sắc và xuất thân cũng rất tốt. Trong một lần ăn cơm trưa tại văn phòng, bạn ấy than thở với mình (đúng nghĩa là than thở nhé, không phải là khoe khéo đâu): “Bố mẹ tớ nói với tớ là chỉ có thể chuẩn bị 700 triệu cho tớ đi du học Anh thôi”. Tại thời điểm đấy, bố mẹ mình cũng rất muốn mình sớm ổn định chỗ làm tại một cơ quan nhà nước nên đã chuẩn bị một số tiền để xin việc cho mình là 70 triệu (về sau thì may quá, mình tự thi đỗ tuyển dụng nên bố mẹ không mất đồng nào). Sự chênh lệch thật là quá lớn, phải không? Mỗi lần nghĩ lại chuyện này, mình lại thấy lòng rơm rớm, thương ơi là thương cô bé khờ dại năm xưa, vì chưa thấu đáo sự đời nên đã so sánh và bị tổn thương vì điều kiện gia đình khác biệt giữa mình và bạn bè.

Rồi sau đó, mình chuyển đến làm ở một nơi khác, và mình hẹn hò với một bạn tạm gọi là X đi. Tính cách của X khá hợp với tính mình, nói chuyện vui vẻ cả ngày không chán. Còn nhớ, X háo hức khoe với mình: “Bố mẹ anh đang xúc tiến mua căn hộ chung cư cho anh. Khi nào anh nhận nhà, em sẽ là vị khách đầu tiên đấy”. X cũng khoe bố mẹ đang mua xe ô tô cho bạn ấy và hứa sẽ chở mình đi chơi đầu tiên. Nhưng những cái “đầu tiên” ấy chẳng bao giờ tới khi mà X nhanh chóng dừng việc hẹn hò với mình ngay sau đó với lí do: “Bố mẹ anh không chấp nhận đâu”. Có lẽ, việc hẹn hò với một cô gái không có xuất thân giàu có và tương lai không có nhiều hứa hẹn đã làm bạn ấy ngại ngần. Vì chuyện này, mình đã buồn và oán hận X trong một thời gian dài.

Một vài năm sau đó, mình nhanh chóng nhận ra, nếu không thay đổi quan điểm của mình về tài chính thì đời sống của mình sẽ không thể thay đổi và càng dễ bị tổn thương hơn đối với những chuyện liên quan đến tiền bạc. Ví dụ, chỉ nghe bạn mình tình cờ khoe lương đã tăng đến Y đồng, thì mình sẽ tủi thân mà nghĩ tại sao cùng là đi làm việc một ngày 8 tiếng mà lương của bạn ấy gấp mấy lần mình trong khi mình đã từng học giỏi hơn, bằng cấp cao hơn. Mùa hè, mọi người hay rủ nhau đi nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng, bãi biển sang chảnh, nhưng mình đâu có thể đi nhiều được nên sẽ phải tần ngần. Trước một khóa học rất hấp dẫn, bổ ích cho nghề nghiệp, mình sẽ phải đắn đo… Đại loại vậy.

Thế là mình đã thay đổi công việc (để có thu nhập tốt hơn) đồng thời nỗ lực để chi tiêu hợp lý hơn trước. Đời sống khá hơn dẫn đến tâm lý mình cũng thoải mái hơn.

Ít nhất thì, khi em gái mình nói, nó muốn ăn tôm hùm, mình cũng có thể mua cho nó 1 con tôm to bự để ăn thử.

Ít nhất thì, khi nhãn hàng mình yêu thích ra mắt dòng son mới, mình cũng có thể mua một thỏi.

Ít nhất thì, khi muốn đi chơi đâu đó, mình cũng có thể book chỗ nhanh chóng.

Mấy cái “ít nhất thì…” ở trên, nghe thì phù phiếm vậy nhưng dễ làm người ta tổn thương nếu không làm được lắm đấy, không coi thường được đâu. Mình từ một người không hề coi trọng đồng tiền, thì đã biết trân trọng nó. Đồng tiền do mình làm ra từ trí tuệ, công sức phải trân trọng nó mới đúng chứ. Mình từ một người không bị áp lực gì về tiền bạc trong công việc đến một người biết trân trọng công việc mang lại thu nhập tốt hơn cho mình, bởi vì, khi không bị áp lực tài chính, người ta mới có không gian để sáng tạo và dành nhiều tâm huyết cho công việc.

Thế nên, mình sẽ không bị hoang mang giữa mê hồn trận những lối sống bây giờ. Một bên thì đề cao đồng tiền, sự hào nhoáng, xa hoa, địa vị; một bên thì đặt nặng việc sống tối giản, buông bỏ, đi vào đời sống nội tâm. Mình chọn sống “vừa đủ”: giữ vừa đủ, buông vừa đủ, cố gắng vừa với sức lực của mình. Mình quan niệm, tiền không phải là tất cả, tiền chưa bao giờ là thước đo để đánh giá năng lực làm việc, phẩm giá con người mình; nhưng mặt khác, nếu làm một công việc mà bản thân mình còn sống không đủ đầy với nó thì cũng cần phải xem lại lựa chọn của mình.

Trên thế gian này có nhiều lối sống, cách sống. Mong rằng không nhiều người bị “lạc” giữa những lối sống đó như mình đã từng. Sống chậm lại ngay cả khi bản thân đã rất chậm, không coi trọng tài chính ngay cả khi tài khoản chẳng có mấy đồng, buông bỏ trong khi chẳng có gì nhiều nhặn để mà buông…Nghĩ đi nghĩ lại thấy đúng là mắc cười, mà cười không nổi 😀

Không quá ít, không quá nhiều, vừa đủ là hạnh phúc, bạn nhé!

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *