Làm sao để sống giấc mơ đời mình?

Hôm qua, ông bố quốc dân nhà mình (lại) đi dự họp lớp của tụi học sinh cũ. Ông bố ngó thấy tụi học sinh đã thành đạt, trưởng thành, đề huề gia thất về mà lòng lo ngay ngáy. May mà có mẹ kể cho. Ôi, xem ra mấy trò mưu hèn kế bẩn của mình ngày xưa có vẻ không nhằm nhò gì rồi. Vì cái quan trọng nhất là nhận thức, thái độ của ông bố không hề thay đổi. Mình thấy, cứ mỗi lần đi chơi, đi ăn cưới, đi đến nhà họ hàng mà thấy con cái họ thành đạt, sung sướng, hạnh phúc, các thứ, các thứ… là ông bố về hoang mang và lo lắng lắm.

Xã hội này vẫn còn đầy những thứ định kiến và những quan điểm chưa thế nào thay đổi được, nhất là vùng đồng bằng bắc bộ (thực sự là mình thấy vùng quê mình còn tồn tại quá định kiến luôn ý). Vì thế, nếu không xác định lại tư tưởng cho các bậc phụ huynh thì chính bản thân bố, mẹ sẽ là người khổ não, buồn phiền trước tiên. Cứ đi đâu, quan sát rồi so sánh, ghen tỵ và áp lên con nhà mình, rồi thì chẳng bên nào vui cả. Việc cần thiết là đừng ngó nghiêng nữa để tất cả đều vui vẻ, hạnh phúc thì chẳng ai chịu làm. Hu hu. Thế là cả tối mình phải “training” mẹ về kỹ năng này, để mẹ chia sẻ tiếp với bố. Mình cũng xin phép chia sẻ lại để nhỡ đâu có bạn nào cũng suốt ngày đau cả đầu vì việc so sánh này có kế sách đối phó một tí nhé:

– Đầu tiên, bố mẹ nên xác định rằng, mỗi người có một lộ trình phát triển riêng. Giống như tụi cây cối, có cây cho hoa, quả nhanh còn có cây cần nhiều năm hơn mới có quả. Con chưa đạt được cái kết quả như của con người ta (thành công, thành danh, thành đạt) không có nghĩa là con đứng yên. Con cũng đang trong lộ trình phát triển của riêng con (thành người) và bố, mẹ rất nên trân trọng lộ trình ấy.

Nói thôi chưa đủ, bạn nên show cho bố, mẹ thấy cách để mình tự phát triển, rèn rũa bản thân như thế nào. Nếu bố, mẹ mãi chả hiểu thì bạn phải hiểu và trân trọng sự nỗ lực của mình trước tiên. Không có việc gì là vô ích trên đời này cả. Nên ghi nhật ký lại cho công cuộc tự rèn luyện của mình.

Ví dụ, với mình, khi sau khi hoàn thành tất mấy khóa học master với chứng chỉ nghề xong, mình tự thấy rằng thôi, học chuyên ngành tạm dừng ở đó là đc rồi, giờ thì phải tự rèn rũa bản thân ở các môn khác đã. Thế là, sau gần 3 năm miệt mài đến Không gian NT của cô Ngân thì ơn trời, mình cũng biết cách vỗ tay tử tế khi đi nghe hòa nhạc (việc này phải học tập và phải quan sát đấy, đừng đùa). Mình cũng biết sự khác nhau giữa các thể loại concerto, symphony; mazurka, polonaise, nocture… Hồi một năm trước, mình vẫn phải tò tò đi đến dịch vụ tarot mỗi khi có sự vụ. Còn giờ, mình có thể tự read cho mình và sơ sơ cho bạn bè. Thêm nữa, mình cũng dành ra cả nửa năm để học về đạo Phật với thầy, và tự đọc thêm về Kinh thánh. Và không thể bỏ qua khoảng một năm trời đồng hành vs anh Dũng ở viện K. Đó sơ sơ vậy…

Mình trân trọng sự nỗ lực của mình trong thời gian này, thực sự. Dù nó chưa mang lại tiền bạc gì cho mình (ngược lại, mình phải đầu tư kha khá thời gian và tiền bạc để theo đuổi), nó cũng chẳng làm mình hơn ai hết, nhưng mình biết, nó làm cho mình hoàn thiện (well – rounded, không phải là perfect nhé) hơn rất nhiều.

Thứ hai, ai cũng có những khó khăn riêng. Mọi người chỉ trưng ra mặt phải của tấm huy chương, còn mặt trái thì giấu nó đi. Mà bố, mẹ chỉ luôn luôn thấy mặt trái của bọn mình và mặt phải của “bọn nó”.

Hãy kiên nhẫn giải thích cho bố, mẹ hiểu, để có được những thành tựu đó, bản thân họ cũng vất vả như thế nào. Đừng chỉ nhìn vào ai đó start – up thành công, ôm huy chương vàng hay một bầy con cái mà nghĩ rằng dễ dàng. Hiểu vậy, để trước hết trân trọng thành quả của những người khác, khi biết trân trọng rồi thì sẽ không so sánh nọ kia nữa. Sau nữa thì không sốt ruột với chính con cái mình vì có thể, bản thân con cái mình cũng đang cố gắng, chỉ là thành công bị trì hoãn thôi. Thực ra, ai cũng mệt nhoài với đường đua của chính mình, nghĩ thế sẽ thấy mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều.

– Thứ ba, khi đã thay đổi cách nhìn mà vẫn không khác thì hãy thay đổi vị trí giới hạn của bạn. Hôm trước mình có than phiền với anh bạn mình là em thấy cs áp lực quá, phải làm sao giờ? Anh khuyên mình hãy thay đổi cách nhìn đi. Mình có vùng vằng, dằn dỗi là với anh thì chuyện đó dễ lắm, vì anh đã có nhiều thứ rồi; còn em thì chưa. Em cứ ở mãi một vị trí đó thì thay đổi cách nhìn kiểu gì cũng ko khác được. Nhưng đúng là vậy mà. Bạn cứ dậm chân tại chỗ mãi thì cũng sẽ ko nhìn thấy gì khác cả. Đi đâu đó, gặp gỡ những người khác, tham gia vào những group nọ kia… Rồi bạn sẽ thấy khác đi.

– Thứ tư, thành công và hạnh phúc khác nhau. Vậy bạn hướng đến điều gì? Nếu muốn thành công, ok, vậy bạn hãy đi theo mục tiêu của mình. Thành công cần nhiều thứ và đòi hỏi phải có sự thừa nhận, ghi nhận từ người khác. Còn hạnh phúc, may mắn thay, lại chỉ cần cảm nhận của chính bạn. Có người thành công nhưng chưa chắc đã hạnh phúc. Còn người hạnh phúc thì sẽ dễ để thành công.

Còn mình, trước mắt mình muốn hạnh phúc theo cách của mình. Nếu chưa được hạnh phúc thì có thể tạm chấp nhận việc vui vẻ,thoải mái, tận hưởng khoảng thời gian đang có một cách thú vị nhất là được.

Hôm nọ, trước lúc về, chị làm cùng nhìn sang mình và bảo, chị thấy như em bây giờ thích thật đấy. Chả phải vướng bận gì nhiều, thích làm gì thì làm. Nếu là vài năm trước thì mình sẽ nhăn nhó và kêu, em thấy như chị mới là sướng ý, chồng con nhà cửa đàng hoàng. Nhưng bây giờ, mình mỉm cười và gật gù,vâng, em cũng thấy thích thật chị ạ. Thích thật lòng ý. Và em cũng sợ quãng thời gian này rồi sẽ qua rất mau.

Với cá nhân mình, quãng thời gian từ 25 – 30 là tuyệt vời. Vì bạn ko áp lực quá các chuyện nhà cửa, gia đình nọ kia. Ít ra vẫn còn khoảng không để bạn thở dứoi những cái cây, vùi mình đọc sách xuyên đêm, dành ra cả tháng chỉ để cày phim Hàn hoặc Trương Nghệ Mưu (như mình đã từng), học tất cả những thứ mình thích, gặp tất cả những người mình gặp. Và mình hạnh phúc.

– Thứ năm, học cách kiên nhẫn với giấc mơ của mình. Dù giấc mơ đó chỉ là có một công việc ổn định, vừa vặn hay là nghiên cứu, phát minh ra thứ gì đó thay đổi thế giới. Có giấc mơ bé xinh như lòng tay còn có giấc mơ to lớn, rộng rãi như một bầu trời mênh mông. Miễn rằng nó phù hợp và hữu ích, thì giấc mơ nào cũng cần được trân trọng như nhau. Và trước hết, người phải học cách trân trọng là chính bạn. Bạn sẽ phải kiên nhẫn, đi theo tiếng gọi của giấc mơ ấy, rất rất lâu.

Mình có giấc mơ là viết ra những cuốn sách cho mọi người đọc. Mình sẵn sàng đánh đổi tiền bạc, thời gian, những giây phút nghỉ ngơi để cuốn sách bé của mình thành hình. Mình có những lúc bí ý tưởng, có lúc muốn từ bỏ vì thấy cả thế giới này đều như đang viết sách, thấy mình chả là gì giữa bao người tài năng, giỏi giang.

Nhưng mình đã không từ bỏ, vì mình yêu thương giấc mơ của mình đến nhường nào.

Bạn cũng vậy nhé.

Chúng ta ai cũng ôm trong lòng một giấc mơ. Mà thế giới xung quanh thì sẵn sàng so sánh, sẵn sàng bỉ bai và tìm cách chối bỏ giấc mơ ấy. Không nhất thiết phải là một giấc mơ vĩ đại, vì như mình bây giờ, chỉ có giấc mơ là sống cuộc đời hạnh phúc bình thường:), thì một giấc mơ thực sự cũng rất cần sự nỗ lực để sống và thực hiện nó. Những ngày sống trong áp đặt, trong so sánh khiến cho mình nhận ra mình tha thiết với giấc mơ bé nhỏ của mình và cứ thế tìm mọi kẽ hở thời gian, tìm mọi sức lực rảnh rang để biến nó thành hiện thực. Cứ thế, cứ thế, từng ngày từng tuần.

Bắt đầu đi bạn nhé, để quên đi mọi lo lắng luẩn quẩn, chật vật xung quanh và sống với giấc mơ đời mình.

Uyên Mai

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *