Một buổi chiều cuối tuần êm đềm, ba đưa con đi xem một bộ phim Pháp. Bộ phim kể về khu vườn của một người ông qua lời kể chậm rãi và tỉ mỉ của người cháu có tên là Martin. Con thắc mắc, hỏi sao ba dẫn con đi xem một bộ phim đơn sơ thế. Một bộ phim không có cốt truyện, không có nhiều nhân vật, tình tiết thì cứ lặp đi lặp lại với khung cảnh về bầu trời xanh ngắt phía trên và những luống rau, những hàng cây xanh mượt mà phía dưới. Thế mà bộ phim lại vô tình làm ba ứa nước mắt. Con biết vì sao không?
Vì bộ phim làm ba nhớ đến ông nội.
“Ông nội” là một khái niệm hơi trừu tượng với con. Tất cả những gì con biết về ông chỉ là một tấm hình, những câu chuyện kể: “Ông nội thế này, ông nội thế kia khi còn sống”. Còn với ba, ông nội như vẫn còn đâu đây, vẫn còn chỉ dạy ba hằng ngày, một cách sống động và lôi cuốn. Ba nhớ ông nội, nhớ khu vườn của ông ở quê và nhớ những ngày còn nhỏ, ba đã cùng ông nội cặm cụi gieo hạt, vun xới và thu hoạch những hoa trái ngọt ngon trong khu vườn ấy.
Ngay từ khi còn rất bé, ba đã được ông dạy rằng, việc chăm sóc một khu vườn sẽ dạy người ra rất nhiều điều. Đầu tiên là thói quen quan sát để còn biết trồng cây dọc mùng ở chỗ đất ẩm, trồng cây mùng tơi ở chỗ có dậu thưa, trồng những cây tán cao ở trên và những cây bụi ở dưới. Tiếp đó là thói quen kiên nhẫn đợi chờ. Tưới nước thì nghiêng từng vòi ô rô để tưới, bắt sâu là phải lần tay theo từng kẽ lá, và mỗi khi hái từng chùm nhãn hay quả ổi, quả hồng là phải nhẹ tay, lấy kéo cắt cuống chứ không sỗ sàng giật xuống. Những đêm trời mát, trăng lên ông cũng có thói quen rất thanh cao là ngắm hoa quỳnh nở.
Khu vườn cũng ghi dấu những kỷ niệm khi ba bước vào tuổi mới lớn rồi trưởng thành. Lần đầu tiên tham gia những trò nghịch dại cùng bè bạn, ba sợ ông mắng nên đã trèo tít lên ngọn cây, nép mình vào tán lá um tùm của cây hồng xiêm. Lần đầu tiên biết trái tim mình thích một người, ba ngồi dưới vòm ổi nghe trái tim mình cũng đòng đưa, tròng trành như những quả ổi chín trên cao. Đáng nhớ nhất vẫn là những buổi chiều nhặt lá, vun lại cùng bà để đốt đi cho cho vợi bớt lá khô. Hay những ngày mùa xuân, nhìn hàng cây thay áo mới dưới màn mưa lây phây ẩm ướt. Khi ấy, ba thấy lòng mềm lại thật lạ khi biết mình sẽ gắn bó thiết tha với đất đai và cây cỏ nơi này.
Mùa đông này, ba sẽ đưa con về khu vườn của ông nội. Chúng ta sẽ hòa vôi để quét quanh những gốc cây cho vơi bớt sâu bệnh. Sẽ gom hết lá khô trong khu vườn lại để đốt cho khói bay lên chờn vờn trong sương muối. Mùa đông, những cành cây trơ trọi như những cánh tay gầy guộc để lộ ra một khoảng trời trên cao. Rồi khi mùa xuân mới, lá non sẽ trổ ra, từ từ xòe rộng và che kín khoảng trống giữa các cành. Con biết không, con người chúng ta cũng như những cái cây, luôn có cơ hội làm mới mình từng ngày, từng mùa. Mỗi năm trôi qua, mỗi ngày lại tới và ai cũng có cơ hội để mình trở nên tốt lành hơn. Nhưng có những người đã không còn cơ hội nào để làm mới mình nữa rồi, như ông nội của con vậy.
Rồi khi ngước nhìn lên mỗi tán cây, ba sẽ nhớ ông. Cũng giống như sau này, khi con lớn và ba đã già, con cũng sẽ nhớ ba khi đưa mắt dõi theo từng tán lá. Chúng ta đâu chỉ sống cuộc đời cho riêng mình. Chúng ta còn là một phần nối dài của cuộc đời những người thân yêu nhất. Ta sẽ thăm những mảnh đất mà người ta yêu chưa có cơ hội đặt chân tới, sẽ làm những việc họ từng ấp ủ, sẽ có những niềm vui họ từng ước ao. Cuộc sống này là một chuỗi tiếp nối không ngừng nghỉ. Như những tán cây cứ ngày một vươn cao, các đọt lá non trổ ra đan xen vào những vòm lá cũ. Vì thế, con biết chúng ta sẽ phải sống sao không? Sẽ phải cố gắng nhiều hơn, nhiều hơn mỗi ngày con ạ.
Một ngày mùa đông, ba sẽ dẫn con ra vườn. Ba lại dạy con những bài học mà ông nội từng dạy ba. Ba mong sẽ thấy trong mùi hương của đất, giữa màu xanh của cây lá, con cũng lớn lên vững chãi, bình yên. Trong tình thương của ba và sự bao dung của khu vườn, con sẽ chẳng bao giờ đơn độc./.