Từ ngày về ở chỗ mới, phải đi làm theo con đường đê (nối từ chân cầu Nhật Tân đến chân cầu Long Biên) mỗi ngày, với rất đông người và xe cộ tốc độ cao, mình đâm ra sợ đi về nhà vào mỗi cuối chiều hẳn. Cộng với vài lý do cá nhân khác nữa, mình đã đi đến quyết định là thuê hẳn 1 chú xe ôm đưa đón mình đi làm hằng ngày.
Người ta giàu sang phú quý, người ta có tài xế riêng. Mình đây nghèo rớt mùng tơi nhưng cũng có xe ôm riêng, xịn xò chưa? Hi hi.
Tuy chỉ là một người chạy xe ôm truyền thống, nhưng chú xe ôm chở mình – chú Cảnh có phong cách phục vụ nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Mình để ý thấy hôm đầu tiên mình đi, chú chỉ đưa cho mình một chiếc mũ bảo hiểm mỏng dính màu đen; nhưng ngay hôm sau – khi mình khẳng định sẽ đi với chú lâu dài, chú đã ”thửa” riêng cho mình một chiếc mũ khác, dày và an toàn hơn hẳn. Sáng nay trời mưa, chú vẫn đến sớm đón mình, chỉ mặc chiếc áo mưa giấy bóng trong khi lại chuẩn bị cho mình một chiếc áo mưa dày dặn, sạch sẽ và cất trong túi ni lông riêng – một chiếc áo mưa sạch đẹp đến nỗi mình nghĩ chắc chú đã mượn của vợ hay của con gái trước khi đi.
Trên đường đi, chú xe ôm luôn để ý tránh xa những ổ gà, đi rất khẽ ở những chỗ gồ ghề. Khi mình nói muốn mua thứ nọ, thứ kia, chú cũng chẳng nề hà mà chở mình đi thêm một đoạn.
Nói chung mình rất hài lòng về chú xe ôm.
Nói gì thì nói, nghề nghiệp nào cũng vậy, sự nhiệt tình, tâm huyết vẫn cần phải đặt lên hàng đầu trong các tiêu chí chăm sóc khách hàng. Nhưng chữ “tâm” không phải thông qua việc hô hào, qua các bài quảng cáo khoe mẽ, câu view mà phải thông qua từng chi tiết nhỏ của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Chữ “tâm” để nói lên rằng, một ai đó là người làm nghề chân chính chứ không phải hạng người tầm thường, làm việc chỉ để sống qua ngày đoạn tháng.
Mình luôn ấn tượng với thể hệ đi trước về sự tận tâm, tận lực trong nghề nghiệp mà chẳng phải ai xa lạ bắt nguồn ngay từ những người thân của mình. Bố, mẹ mình trước giờ đều là giáo viên cấp 3, dạy Văn và Địa. Trước kia, lương giáo viên có thời điểm thấp lắm nhưng cả bố lẫn mẹ mình đều không ai có ý định bỏ nghề để kiếm việc khác tốt hơn dù tại thời điểm đó, có nhiều đồng nghiệp của bố, mẹ quyết định như vậy. Dù chỉ dạy môn xã hội, thu nhập kiếm được chủ yếu là từ lương của nhà trường chứ không thể dạy thêm được như các môn tự nhiên, nhưng mẹ mình luôn chịu khó xem ti vi, đọc sách báo để cập nhật kiến thức vào bài giảng môn Địa lý. Còn bố mình, bố chăm đọc sách, chăm ghi chép những lời hay ý đẹp để bài giảng Văn luôn phong phú. Tận đến khi nghỉ hưu, bố, mẹ mình cơ bản vẫn chỉ là những người thầy (hoặc có chăng là kiêm nhiệm thêm vị trí nho nhỏ gì đó như kiểu Chủ tịch công đoàn, Tổ trưởng bộ môn…) nhưng mình nghĩ khi nhìn lại sự nghiệp, lúc nào bố, mẹ cũng có thể mỉm cười nhẹ nhõm vì bản thân đã tận tụy hết lòng cho những lứa học sinh.
Một người thân nữa mình rất kính trọng về mặt làm nghề, đó là bác ruột của mình. Bác là một người làm nghề chân chính mà mình được biết và thầm ngưỡng mộ ngay từ khi còn nhỏ. Làm việc trong lĩnh vực văn hóa, bác mình có kiến thức rất uyên bác và sâu sắc về lịch sử, địa lý, văn hóa nói chung và về địa phương nói riêng. Bác mình giỏi tiếng Trung, tiếng Nga, biết tiếng Anh, làm thơ hay, vẽ cũng đẹp. Mỗi lần được “hóng” chuyện cùng bác là mình có cảm giác được mở ra một bầu trời kiến thức bao la. Mà nghĩ cũng lạ, bác mình làm việc Nhà nước, thu nhập chẳng cao như của khối doanh nghiệp nhưng lúc nào cũng trăn trở với công việc. Mình nghĩ việc đó hoàn toàn xuất phát từ tâm ý của người làm nghề mà thôi.
Mình từng thấy những người làm nghề cẩu thả. Như bạn kiến trúc sư thiết kế cho tòa chung cư của mình, chắc đây không phải là công trình tâm huyết của bạn ấy vì những cột trụ được thiết kế rất thô kệch, lấn hẳn vào không gian của các căn hộ khiến cho những căn phòng không được vuông vắn, thậm chí nhìn rất “tức mắt”. Một kiến trúc sư có tâm chắc chắn sẽ không thiết kế như vậy. Hoặc có lần, mình được một chị khách hàng nhờ review hộ bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp cho chị ấy mà mình tá hỏa vì hồ sơ sai nhiều thông tin, ngành nghề cũng không đúng. Thành lập doanh nghiệp là dịch vụ đơn giản bậc nhất của nghề luật nhưng cũng không thể làm cẩn thận, thật sự là xấu hổ cho danh xưng “Luật sư” quá.
Có một thời gian mình được làm công việc có tính chất như kiểu Trợ lý cho TGĐ. Khoảng thời gian đó mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều hồ sơ của các phòng/ban trong công ty, phải đọc và rà soát rồi mới trình lên cấp cao hơn. Đó cũng là thời gian giúp mình quan sát về cách mọi người tạo ra sản phẩm trong công việc như thế nào. Có những đơn vị đưa ra bộ hồ sơ trình rất chỉn chu, bài bản; còn có những đơn vị chuẩn bị hồ sơ còn sơ sài, lộn xộn. Không cần đọc vào nội dung bên trong thì mình cũng có thể biết được người làm bộ hồ sơ đó có kỹ lưỡng hay không thông qua phần soát xét thành phần hồ sơ và cách thức trình bày rồi. Tất nhiên, không phải ai cũng vậy, có một số người rất giỏi về nội dung song không khá lắm về mặt hình thức, nhưng số đó không nhiều.
Xã hội hiện đại – nơi mà những giá trị thực sự đôi khi bị đảo lộn hoặc không được nhìn nhận đúng lúc, đúng cách. Ai cũng có thể trở thành chuyên gia, ai cũng có thể trở thành một người nổi tiếng, thành một KOL, nhưng có thật sự tất cả những người ấy đều là người làm nghề chân chính, tận tụy, tâm huyết trong lĩnh vực của mình? Có lẽ điều ấy không đúng cho tất cả bởi giá trị mỗi người theo đuổi không giống nhau.
Với riêng mình, mình chỉ muốn là một người làm nghề – chứ không phải là một người nổi tiếng hay người nào khác. Khi làm một việc nào đó, cần phải tâm niệm rằng mình là người làm nghề để có được sản phẩm tử tế, hữu ích cho cuộc sống hoặc ít nhất cho tổ chức/khách hàng chi trả thu nhập cho mình. Lời chê sợ nhất đối với mình chính là: “Sao việc này làm cẩu thả, hời hợt thế?”. Vì thế, ngay từ những ngày đầu cầm bút, mình luôn đắn đo khi viết ra từng từ cho dù đó chỉ là một bài viết ngắn được trả nhuận bút 80 ngàn đồng hoặc là một phần của công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ nào đó. Ngay với việc review hợp đồng, mình vẫn đọc cẩn thận từng cái kể cả là cái hợp đồng trị giá có vài triệu đồng. Tất nhiên, khi thời gian và nguồn lực có giới hạn thì mình vẫn thực hiện theo thứ tự ưu tiên nhất định của mình.
Không có nghề nào đáng trọng hơn nghề nào, cũng không có việc nào đáng làm hơn việc nào…Mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc đều có một vị trí nhất định trong xã hội. Nhưng nếu có ý thức làm nghề thực sự thì chắc chắn ai cũng sẽ có một vị trí của riêng mình. Một câu nói mình đã nghe được ở đâu đó và rất tâm đắc là: “Nếu phải làm người cọ toa lét thì cũng cố gắng làm người cọ toa lét sạch nhất”.
Làm một người làm nghề – tưởng dễ mà chẳng dễ đâu.