Mình sẽ tin ở những gì?

Hôm trước là ngày kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị cũ. Mấy anh chị đồng nghiệp í ới hỏi có về Lễ kỷ niệm không. Mình cười trong đau khổ, vì có được mời đâu mà về. Nói vậy, nhưng mình cũng hiểu, đơn vị cũ không thể nào mời tất cả cán bộ công chức đã từng làm việc ở đơn vị rồi chuyển việc, nghỉ việc, nghỉ hưu về dự Lễ kỷ niệm được. Đông lắm chứ ít gì.

Mình ngồi tự kiểm đếm trong đầu xem khi rời đi, mình để lại được những gì ở đơn vị cũ.

Và thật lạ lùng, mình có thể kể được khá rõ ràng.

05 đề tài nghiên cứu có mình tham gia (viết chuyên đề, đề xuất ý tưởng hoặc làm thư ký), 03 năm dự án quốc tế NLD có mình điều phối và tham gia tích cực, hàng trăm văn bản hợp nhất đầu tiên của Bộ tài chính, những bộ pháp điển đầu tiên của Bộ tài chính do mình làm, Trang tin pháp luật tài chính lần đầu được vận hành thực thụ mà trong đó mình vừa viết bài, biên tập, đăng tải, chấm nhuận bút; những lần chấp bút cho Lãnh đạo Vụ trả lời phỏng vấn; biết bao nhiêu cuộc họp và cuộc hội thảo đã sôi nổi tham gia; biết bao ý tưởng đã được khởi xướng…

Nghĩ lại, tự dưng thấy bồi hồi, nhưng thấy lại mình của tuổi trẻ nhiệt huyết, vô tư, chỉ có làm chứ chưa vướng bận gia đình, con cái. Thấy mình với tất cả những cái được và cái khuyết của tuổi trẻ.

Mình bây giờ đi làm đã có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, lại còn là kinh nghiệm ở những mảng khác về quản trị với pháp lý của dự án, doanh nghiệp chứ không thuần túy ở một cơ quan nhà nước nữa. Mình bây giờ đi làm, thu nhập đã dễ thở hơn trước rất nhiều. Nhưng chẳng hiểu sao, nhiều lúc, vẫn không thể nào tìm lại nổi niềm vui của một ngày cũ nữa.

Không có những chiều ngồi làm tít mít đến tận tối, làm xong việc cơ quan rồi chuyển sang viết sách cho mình, rồi tối đi xem phim, đi nghe nhạc.

Không có những chuyến đi xa ríu rít tiếng cười.

Không có ai nói với mình một câu, kiểu như thế này nữa: “Khi em nói đến 3 từ MOF, mắt của em sáng lên”.

Có những đoạn đời, dẫu khó khăn, thiếu thốn, song thật vui và thật đẹp. Từ khi chia tay MOF, mình đã thôi nghĩ về việc tìm thấy hạnh phúc trong công việc, vì thấy điều ấy không chuyên nghiệp. Vui hay buồn thì kiểu gì cũng phải làm, phải đi qua. Mình thấy rằng, để có được một sự nghiệp thành công, mà thôi, sự nghiệp nghe rộng quá, công việc suôn sẻ thôi, thì cần sự bền bỉ và kiên nhẫn. Tuổi trên 30 là không tin vào tài năng bẩm sinh nữa rồi, mà tin vào sự nỗ lực. Và mình thích câu này:

“Talent is insignificant. I know a lot of talented ruins. Beyond talent lie all the usual words: discipline, love, luck, but most of all ENDURANCE.” – James Baldwin

Có một câu chuyện buồn cười như này, hồi thi lấy chứng chỉ hành nghề Luật sư (1 kỳ thi rất khắc nghiệt), thì nhiều bạn thi cùng đợt với mình chỉ học trong 1 tuần trước kỳ thi, với tất cả những môn Luật hình sự, dân sự, thương mại, đạo đức hành nghê…Và họ vẫn đỗ. Còn mình thì học trước cả nửa năm, in nguyên 1 tập đề thi 50 đề ra để làm đi làm lại, sáng nào đi làm cũng ngồi trên xe ôm lải nhải đọc thuộc đạo đức hành nghề luật sư (lại còn đang kỳ bầu bí nữa chứ). Thế nên khi mình đỗ thì mình cũng không ngạc nhiên lắm. Trong thâm tâm, mình khâm phục những bạn học 1 tuần mà vẫn đỗ cơ.

Tương tự, trong lớp học dịch của mình, có 1 em học sinh lớp 11 mới vào học và tiến bộ nhanh khủng khiếp, dịch nhanh như chớp mà lại còn đúng, lại còn sáng tạo, mượt mà khiến thầy giáo bất ngờ. Còn mình thì học kém quá nên sau nửa năm theo học mình quyết định dừng lại, cơ bản là mình cũng nghĩ, chắc chẳng có khi nào mình được dịch những cuộc họp cấp cao đến như vậy cả. Thôi thì học cái gì thiết thực, ví dụ viết email công việc hay dịch hợp đồng, thế thôi. Giờ không phải là lúc mơ mộng, tin vào những năng lực mà mình không thể nào có được nữa, chỉ có thể tin vào những gì mình có thể cố gắng, có thể nỗ lực theo đuổi bền lâu thôi.

Mình rất khâm phục những bạn gái ở tuổi của mình, vừa có thể làm vợ, làm mẹ và làm nhà quản lý, nhà lãnh đạo tốt. Mình chắc khó làm được như vậy. Mình tự nhận thấy năng lực quản lý của mình không tốt – hoặc nếu tốt, thì tốt ở góc quản lý những việc của góc cá nhân mình hoặc quản lý cuộc đời mình mà thôi hoặc chỉ tốt hơn nếu so với những người cũng không làm nghề quản lý. Mình làm việc độc lập thì có vẻ là ổn hơn phải làm việc nhóm, phải điều phối/chi phối/đốc thúc người khác. Bằng chứng là, khi mình tự triển khai các dự án cá nhân (viết một cuốn sách, theo đuổi một vụ khiếu nại, tư vấn về một việc cụ thể) thì mình có thể đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng. Mình có mấy cái đơn khiếu nại viết cho chị khách hàng nhà mình, mà được Lãnh đạo cơ quan thanh tra TP Hà nội khen nức nở với chị ấy, rằng cái đơn chắc phải do người hiểu biết pháp luật cao mới viết được, người đó còn phải hiểu rất sâu về bộ máy nhà nước và có kỹ năng viết điêu luyện nữa. Sau đó, thì chị khách hàng của mình được dò hỏi mãi là ai viết giúp đơn cho chị ấy thế.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, khi phải triển khai các dự án có quy mô lớn, phối hợp với nhiều người, không chỉ phải làm tốt việc mình mà còn phải đốc thúc những người khác làm tốt cả phần của họ nữa, thì mình không triển khai được suôn sẻ lắm. Mình đặt lòng tin vào mọi người, tin rằng mọi người sẽ tận tụy với phần được phân công và cũng ngại cái việc đốc thúc, nhắc nhở người khác nữa (rất không dễ chịu cho cả mình lẫn người khác).

Nói chung, mình thấy làm quản lý hay lãnh đạo cũng là một nghề, và cũng có tool kit riêng, không phải ai thích là làm được. Cố gắng thì cũng có thể làm quản lý cấp bậc thấp hoặc trung gì đấy, nhưng có hạnh phúc với công việc không thì chưa chắc. Còn cố gắng để trở thành quản lý cấp cao trong khi bản thân không có thiên hướng bẩm sinh hay được đào tạo chuyên nghiệp thì mình không dám bàn tới vì chưa có đủ trải nghiệm.

Hôm trước mình có đọc được một bài viết khá hay về tư duy phát triển. Người có tư duy phát triển thì sẽ tin vào sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, tin rằng khả năng của họ là vô hạn nếu họ ngày ngày rèn luyên; thay vì việc “đóng đinh” vào niềm tin rằng năng lực của mỗi người là một thứ thiên bẩm, bất di bất dịch rồi.

Mình thấy càng ngày, mình càng có vẻ nghiêng về tư tuy phát triển này hơn, theo hiểu, chấp nhận là có những người bẩm sinh đã tài năng, giỏi giang hơn người khác (như mấy bạn có tài chơi đàn, vẽ vời hay tính toán…) nhưng mặt khác, lại tin tưởng hơn ở việc ai cũng có thể nỗ lực cho những điều họ thật lòng thiết tha.

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *