Từng li từng tý (xem phim “Người ơi, xin đừng qua sông”

Lần trước, khi xem bộ phim “Người ơi, xin đừng qua sông”, mình chỉ tập trung được nửa tập, còn sau đó, không hiểu bận việc gì thành ra lại xao nhãng ở nửa tập cuối.

Vì xem nửa tập đầu, nên những hình ảnh được coi cho là tiêu biểu, lãng mạn nhất của bộ phim mình đều được xem qua cả rồi. Cảnh hai ông bà ném tuyết với nhau, cảnh ông cài bông hoa vàng lên tóc bà, cảnh ông đứng canh và hát to lên cho bà nghe để bớt sợ lúc ra ngoài buổi tối, cảnh hai ông bà mặc quần áo mới đón con cháu đề huề về thăm vào dịp Tết, cảnh ông với bà ngồi trước nhà nói chuyện phiếm về con chim vàng anh… Và cả những câu nói rất cảm động mà hai người dành cho nhau nữa. Mình đinh ninh rằng bộ phim thuần túy là tình yêu và hạnh phúc.</p>

Đến hôm rồi, ngồi coi tử tế từ đầu đến cuối, đặc biệt là nửa cuối phim (khúc mà trước bị xao nhãng), mới thấy cảm giác buồn bã, ám ảnh về sự mất mát ùa đến, từ từ, chậm rãi mà sâu sắc. Hóa ra, bộ phim này có thể buồn đến như vậy. Vừa trĩu nặng yêu thương mà lại vừa buồn buồn dai dẳng trong những thước phim rất chân thực, mộc mạc và dung dị.<br>Mấy cảnh mình nhớ ở bộ phim này, lại là mấy cảnh ko có gì đặc biệt.<br>Đó là cảnh ông bà ngồi nướng cá trên than hồng. Ông kể vắn tắt về cuộc đời mình. Đó là một cuộc đời vất vả, cho đến khi gặp bà, cùng bà sinh con đẻ cái và gây dựng cuộc sống. “Mỗi ngày trôi qua đều là một ngày hạnh phúc”. Ông đã nói như vậy. Chỉ đơn sơ thế thôi nhưng có lẽ không phải người nào, dù thành công hay hạnh phúc đến đâu cũng có thể khẳng định như vậy về cuộc hôn nhân 75 năm của mình.

Đó là cảnh bà nói về ông: “Ông ấy không biết phân biệt bộ (quần áo) hè với bộ xuân đâu. Vì ông ấy không biết nên tôi phải lo cho ông ấy từng tý”. Khi ấy, ông đã ốm lắm rồi, cứ ho suốt rồi lại còn phải đi viện. Nỗi lo của bà, rất giản dị, nhỏ bé nhưng mà làm mình chầm chậm rơi nước mắt. Nó làm mình nhớ đến rất nhiều kỷ niệm với gia đình. Mình nhớ thằng em trai hồi hai chị em ở trọ cùng nhau, nó không phân biệt được quần áo của chị nó với bà chị ở phòng bên, toàn cất nhầm đồ. Mình nhớ đến bố mẹ những mùa đông phải sắp quần áo ra cho bọn mình đi học kẻo rồi bọn mình mặc không đủ. Mà quần áo mặc mùa đông cũng phải có cách nhé. Áo mỏng, nhẹ mặc trước bên trong; áo len bên ngoài, nữa là áo khoác. Mặc thế, để nhỡ trời có nóng lên thì cũng cứ theo từng lớp mà bỏ ra. Mình nhớ “Con Gấu” của mình, cũng lo cho mình từng tý, từng tý một. Mùa hè thì gấu nhắc mình mặc đồ cotton cho mát, thấm mồ hôi; mùa đông gấu nhắc mình quàng khăn. Lúc đi ngủ, khi quạt thổi làm vạt áo lật lên, hở rốn mình thì gấu lấy chăn mỏng choàng qua, che lại cho mình khỏi bị lạnh bụng rồi đau.<br>Đó là cảnh bà đứng lặng đi, nhìn ông đi trước và xa dần sau khi chôn chú chó Goma. Bà linh cảm về những ngày chia lìa sắp tới. Bà tự nhủ với mình, có lẽ Goma đi trước, sau thì đến ông và bà sẽ theo ông.<br>Đó là cảnh bà đốt quần áo cho những đứa con xấu số thiệt phận đã mất sớm. Bà áy náy, dằn vặt lắm nên lúc nào cũng dặn ông nếu ra đi trước, thì xuống đó nhớ mặc quần áo mới cho chúng nó. Bà cũng đốt quần áo cho ông khi ông mất đi. Vừa đốt, bà vừa dặn ông cái nào mặc khi mùa xuân sang, cái nào mặc khi trời ấm áp.<br>Cảnh buồn nhất, bà khóc lặng đi như đứa trẻ trước mộ ông. Bây giờ, chỉ còn mình bà. Ông đã đi trước, đã phải “sang sông” trước, không thể nắm tay bà mãi mãi được nữa. Bà khóc mãi, khóc mãi làm nước mắt mình cũng chảy theo.

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *